An lạc tại tâm – hành trình tìm về an lạc

Cuốn sách An lạc tại tâm là những lời “rút ruột nhả tơ” từ những chiêm nghiệm sâu sắc nhất sau hành trình kiếm tìm an lạc, để rồi sau cùng nhận ra kiếm tìm góc bể chân trời nào ngờ an lạc vốn chẳng đâu xa xôi, an lạc là cảm giác từ trong chính tâm hồn.

An lạc tại tâm – càng kiếm tìm càng lạc bước

Con người sinh ra với bản năng thèm khát và đòi hỏi. Vừa chào đời đã cất tiếng khóc, thuở vô tri chưa chút nhận thức về cuộc đời đã đòi ăn đòi uống, nỗ lực không ngừng để học hỏi thêm những kỹ năng mới nhằm thoả mãn những nhu cầu bên trong. Đói thì khóc đòi ăn, ăn no thì chơi vui vẻ, ngủ ngon lành. Ấy thế nhưng càng lớn lên thì các nhu cầu để chúng ta cảm thấy thoả mãn lại ngày càng nhiều hơn, ngày càng phức tạp, ngày càng ép buộc chính mình phải lao động nhiều hơn, kiếm tìm nhiều hơn.

Nhưng an lạc – an là sự ổn định nội tâm, lạc là vui vẻ hạnh phúc, an lạc chính là sự vui vẻ hạnh phúc ổn định từ trong nội tâm chúng ta. Chúng ta đi tìm an lạc, mưu cầu hạnh phúc nhưng con đường lại luôn hướng ra ngoài, càng đi lại càng xa cách với tâm hồn bên trong.

Càng kiếm tìm lại càng lạc bước, càng cách xa với mục tiêu. Người xưa nói “Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt” có lẽ cũng là đúc rút từ sự mù quáng, bỏ gần tìm xa, đứng núi này trông núi nọ như bản tính con người.

Làm sao để an lạc tại tâm?

Muốn an lạc tại tâm, trước nhất ta phải biết chính xác tâm mình đặt ở đâu, tâm mình như thế nào. Tâm đặt ở gia đình là tâm kết nối và chăm sóc. Tâm đặt ở sự nghiệp là tâm danh vọng và nỗ lực. Tâm đặt ở tự do là tâm thảnh thơi và buông bỏ. Tâm mỗi người mỗi khác, mục tiêu mỗi người không giống nhau, cốt yếu là tự ta phải hiểu mình đặt tâm ở đâu, mong muốn điều gì, chỉ khi đó ta mới biết con đường dẫn lối đến sự an lạc trong tâm hồn mình.

An lạc là sự thanh thản từ sâu trong tâm hồn, thoả mãn những mong cầu, hài lòng về thực tại. Dẫu với mỗi người an lạc tại tâm lại là một trạng thái khác nhau, có người hữu hình, có người trừu tượng, nhưng hành trình tìm kiếm an lạc tại tâm lại có chung nguyên lý. Nguyên lý ấy đã được thổ lộ một cách nhẹ nhàng và thấm thía trong cuốn sách An lạc tại tâm: “An lạc chính là khi chúng ta đi qua những thái cực mà vẫn thong dong từng bước chân.”

Tâm an lạc, thân bình yên

Có một thứ tài sản vô giá mỗi người đều sở hữu nhưng không phải ai cũng biết sử dụng, đó là sức mạnh nội tâm. Sức mạnh nội tâm có thể lớn đến nhường nào? Nó phụ thuộc vào chính người sở hữu chúng. Môi trường bồi đắp, hoàn cảnh sinh sống, hành trình trưởng thành cùng nền tảng giáo dục,… sẽ kiến tạo nên sức mạnh nội tâm của mỗi người.

Sóng gió cuộc đời có ai không từng trải, nhưng chính sức mạnh nội tâm sẽ quyết định góc độ đánh giá, thái độ đương đầu và quyết định đối mặt với sóng gió cuộc đời. Có người thấy khó là chùn chân, có người càng chiến đấu càng hứng khởi. Muốn thân khoẻ mạnh phải luyện, muốn tâm vững chắc phải rèn. Và tâm an lạc chính là nền cốt để thân bình an.

Thân tâm an lạc là đích đến ai cũng mong đạt được, nhưng đạt được hay không lại phải xem con đường tu tâm của riêng mỗi người, chớ để những chao đảo, xôn xao cuộc đời là ta chùn bước.

An lạc tại tâm như cuốn sách rước đuốc soi đường cho những tâm hồn đang yếu lòng, đang mỏi mệt hay chênh vênh, mông lung về tương lai trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Mỗi bài viết là một lời nhắn nhủ tha thiết, lại cũng như những lời nhắc nhở chân tình để ta không lung lay ý chí. Nguồn năng lượng tích cực từ những thông điệp ý nghĩa như “Tâm có tu mới sáng”, “Yêu những điều không hoàn hảo”, “Buông bỏ chấp niệm”,… chắc chắn sẽ giúp bạn thêm chắc chắn, thêm vững tin vào con đường mình nên chọn và sẽ đi. Chúc bạn mạnh mẽ kiên cường, cùng hành trang từ cuốn sách An lạc tại tâm mà vững bước trên con đường kiếm tìm an lạc, từ tâm hồn.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận