Những tập thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20

Thế kỷ 20 đánh dấu một dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển thơ Việt Nam: Sự ra đời của thơ mới. Tuy vậy, không chỉ có dấu mốc ấy làm nên lịch sử thơ Việt Nam thế kỷ 20 mà còn có sự đan xen của những tư tưởng thơ, thể loại thơ cùng với sự biến động của xã hội và lịch sử quốc gia. Cùng Người Đọc Sách khám phá những tập thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 ngay dưới đây.

Nhật ký trong tù – Hồ Chí Minh

Nhật ký trong tù là tập thơ chữ Hán theo thể thơ Đường luật do Hồ Chí Minh sáng tác trong hơn một năm bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. 134 bài thơ cũng là 134 lời tuyên thệ về lý tưởng và tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước chúng ta. Đúng như câu thơ Bác viết:

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao.”

Đó chính là một mảnh ghép đại diện cho tinh thần lớn của vị Cha già dân tộc.

Góc sân và khoảng trời – Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa được ví như thần đồng thơ Việt Nam thuở bấy giờ ắt không phải không có lý do, là bởi ngay từ khi còn rất nhỏ ông đã có thể viết thơ, và thơ hay. Góc sân và khoảng trời là tuyển tập những bài thơ thiếu nhi – dành cho người từng là thiếu nhi như thế. Dù sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chiến tranh nhưng những bài thơ trong Góc sân và khoảng trời cho thấy Trần Đăng Khoa vẫn có riêng mình một bầu trời tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên, những câu thơ có khi là trong vắt của thời thơ ấu, lại cũng có khi già dặn một cách tài tình kiểu “ông cụ non”.

Tâm hồn tôi – Nguyễn Bính

Nguyễn Bính được coi là nhà thơ của hồn quê. Với những tuyển tập thơ Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Mây Tần, Người con gái ở Lầu hoa, Tình nghĩa đôi ta,… Nguyễn Bính đều vẽ nên những bức tranh quê thật tình tứ. Riêng với Tâm hồn tôi, một trong những tập thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 thì lại vẹn toàn vẽ nên một tâm hồn thơ Nguyễn Bính với đầy đủ những đặc điểm nổi bật nhất về đời thơ của ông. Cùng đọc qua bài thơ được đánh giá là nổi bật nhất của ông trong tuyển tập thơ này – Những bóng người trên sân ga:

Những cuộc chia lìa khởi tự đây

Cây đàn sum họp đứt từng dây

Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc

Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

 

Có lần tôi thấy hai cô gái

Sát má vào nhau khóc sụt sùi

Hai bóng chung lưng thành một bóng

“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

 

Có lần tôi thấy một người yêu

Tiễn một người yêu một buổi chiều

Ở một ga nào xa vắng lắm

Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

 

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau

Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu

Họ giục nhau về ba bốn bận

Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

 

Có lần tôi thấy vợ chồng ai

Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài

Chị mở khăn giầu anh thắt lại:

“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

 

Có lần tôi thấy một bà già

Đưa tiễn con đi trấn ải xa

Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng

Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

 

Có lần tôi thấy một người đi

Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc phân ly.

 

Những chiếc khăn màu thổn thức bay

Những bàn tay vẫy những bàn tay

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,

Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

 

Tôi đã từng chờ những chuyến xe

Đã từng đưa đón kẻ đi về

Sao nhà ga ấy sân ga ấy

Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?

Gửi hương cho gió – Xuân Diệu

Được xướng danh là ông hoàng thơ tình nhưng đời thơ Xuân Diệu không chỉ có thơ tình. Dẫu vậy, ắt hẳn danh xưng ấy không phải tự nhiên sinh ra, là bởi dù trong bất kỳ chủ đề, đề tài nào thì những câu thơ của Xuân Diệu đều hiển hiện một mối tình nào đó, tha thiết và nồng nàn. Vậy thì hãy đọc thơ tình Xuân Diệu – tập thơ Gửi hương cho gió với những vần thơ ngây ngất nhất trên đời:

Ngày trong lắm, lá êm, hoa đẹp quá,

Nhan sắc ơi, cây cỏ chói đầy sao.

Tháng giêng cười, không e lệ chút nào,

Bằng trăm cánh của bướm chim rối rắm.

Ai có biết màu xuân lên nặng lắm

Trên cành hồng và trong những trái tim?

Nghe điệu lòng hưởng ứng với ca chim,

Tôi tự thấy lạc loài trong nắng mới.

 

Mở miệng vàng… và hãy nói yêu tôi…

Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi…

 

Đã bao lúc màu hoa đem nhớ tới;

Biết nhớ ai! đành chỉ nhớ xa xôi.

Lời ái ân ngừng lại ở nơi môi,

Mặc ánh sáng tha hồ reo trên nội.

Năm nay lại vương bồi hồi gió sợi;

Năm nay hương đây lại tới bồi hồi;

Một trời mơ đang cầu nguyện trong tôi,

Chờ một tiếng để bừng lên hạnh phúc.

 

Mở miệng vàng… và hãy nói yêu tôi,

Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi…

 

Cần chi biết ngày mai hay bữa trước?

Gần hôm nay, thì yêu dấu là nên.

Tôi ưng đùa, người hãy cợt thản nhiên:

Ta tưởng tượng một tình duyên mới nụ.

Người được nói, tôi được nghe là đủ;

Thực càng hay, mà giả dối lại sao?

Gặp nhau đây, ai biết tự thời nào;

Xa nhau nữa, ai đoán ngày tái hội!

 

Mở miệng vàng, và hãy nói yêu tôi,

Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi!

 

Hỡi nhan sắc, ngại ngùng chi không nói,

Cho trời thêm xanh, cho cảnh càng xinh.

Cho dư âm vang động của lời tình

Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải.

Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!

Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!

Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,

Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!

 

Mở miệng vàng! và hãy nói yêu tôi!

Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi!

Còn chơi – Tản Đà

Hồn thơ ngông nhất thuở bấy giờ! Tản Đà được ví như một dấu gạch nối giữa giai đoạn thơ Đường luật và Thơ Mới, bởi thế ta có thể thấy sự ngông nghênh ngay từ trong tư tưởng thơ của ông khi có những điều gì rất “mới” và độc đáo được ông thể hiện qua những tinh hoa nhất của Đường luật. Và Còn chơi lại nổi bật lên cái tư tưởng ngông nghênh không sợ trời không sợ đất ấy của Tản Đà hơn cả. Cùng đọc bài thơ Còn chơi trích trong tập thơ Còn chơi này, để hiểu tại sao tập thơ này được xướng danh trong những tập thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20:

Ai đã hay đâu tớ chán đời

Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi

Chơi cho thật chán, cho đời chán

Đời chán nhau thời tớ sẽ thôi

 

Nói thế, can gì tớ đã thôi

Đời đương có tớ, tớ còn chơi

Người ta chơi đã già đời cả

Như tớ năm nay mới nửa đời

 

Nửa đời chính độ tớ đương chơi

Chơi muốn sao cho thật sướng đời

Đời người ai có chơi như tớ

Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi

 

Chơi văn sướng đến tớ là thôi

Một mảnh giăng non chiếu cõi đời

Văn vận nước nhà đương buổi mới

Như giăng mới mọc tớ còn chơi

 

Làng văn chi thiếu khách đua chơi

Dan díu ai như tớ với đời

Tớ đã với đời dan díu mãi

Muốn thôi, đời cũng chửa cho thôi

 

Đời đương dan díu chửa cho thôi

Tớ dám xa xôi để phụ đời

Vắng tớ bấy lâu đời nhớ tớ

Nhớ đời nên tớ vội ra chơi

 

Tớ hãy chơi cho quá nửa đời

Đời chưa quá nửa, tớ chưa thôi

Tớ thôi, tớ nghĩ buồn cho tớ

Buồn cả cho đời vắng bạn chơi

 

Nào những ai đâu bạn của đời?

Sao mà bỏ vắng ít ra chơi?

Chờ ai chờ mãi, ai đâu tá?

Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi?

 

Nếu tớ như ai cũng ngán đời

Đời thêm vắng bạn lấy ai chơi?

Cuộc đời tớ nghĩ chưa nên ngán

Nên ngán thời xưa tớ đã thôi

 

Tớ nhớ năm xưa nửa ngán đời

Nghĩ đi nghĩ lại, lại ra chơi

Mê chơi cho tớ thành dan díu

Đời dẫu cho thôi, tớ chửa thôi

 

Nghĩ tớ bao nhiêu, lại nghĩ đời

Nghĩ đời như tớ dám nào thôi

Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi

Chơi mãi cho đời có bạn chơi

 

Tớ muốn chơi cho thật mãn đời

Đời chưa thật mãn, tớ chưa thôi

Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng?

Dù chóng hay lâu, tớ hãy chơi

 

Trăm năm, tớ độ thế mà thôi

Ức triệu nghìn năm chửa hết đời

Chắc có một phen đời khóc tớ

Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi

 

Trăm năm còn độ bẩy mươi thôi

Ngoài cuộc trăm năm tớ dặn đời:

Ức triệu nghìn năm đời nhớ tớ

Tớ thôi, tớ cũng hãy còn chơi

 

Bút đã thôi rồi lại chửa thôi

Viết thêm câu nữa hỏi đời chơi

Lộng hoàn này điệu từ đâu trước?

Hoạ được hay không? tớ đố đời!

Lửa thiêng – Huy Cận

Ở Huy Cận có một nỗi u hoài rất đẹp, vẻ đẹp ấy nổi bật lên trong tuyển tập Lửa thiêng. Với thơ Huy Cận, có lẽ ta chỉ nên đọc thật chậm và cảm thật kỹ, đọc lại thêm nhiều lần để ngẫm nghĩ và cảm nhận thêm về cái đẹp, cái u hoài rất riêng ấy mà thôi. Hãy thử đọc bài thơ Xuân ý, rút ra từ tập Lửa thiêng này để thấy ngay trong cái ý tươi vui của mùa xuân sắc, ta vẫn thấy lòng như hoài niệm một nỗi gì.

Đêm vừa nhẹ, gió vừa mơn,

Cây chen ánh nguyệt trải vờn bóng xanh.

 

Khuya nay, mùa đậu đầu cành;

Đồng trăng lục nhạt; vàng thanh lối gần.

 

Trăng êm cho gió thanh tân;

Hương rừng tỉnh dậy ái ân xuống đồng.

 

Đêm nay, không khí say nồng,

Nghìn cây mở ngọn, muôn lòng hé phơi…

 

Khuya nay, trong những mạch đời,

Màu thanh xuân dậy thức người héo hon.

 

Ngón tay tưởng búp xuân tròn,

Có người ra dạo vườn non thẫn thờ.

Việt Bắc – Tố Hữu

Đời thơ Tố Hữu là đời thơ song hành cùng lịch sử dân tộc. Như một người lính trên chiến trường, mặt trận thơ Tố Hữu cũng ghim đầy những máu lửa, đau thương và thắng lợi. Những chiến trường có máu và hoa, thơ Tố Hữu có sự hào hùng, sự tự hào và cả những câu từ lãng mạn. Mọi tập thơ của Tố Hữu đều có thể được vinh danh trong những tập thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20, nhưng chọn ra Việt Bắc như một đại diện cụ thể cho một hồn thơ yêu nước.

Sáng nay ra trận lên Tây Bắc

Hai đứa ta cùng đi đánh giặc

Tay dao tay súng, gạo đầy bao

Chân cứng đạp rừng gai đá sắc

 

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá nguỵ trang reo với gió đèo…

Hoa dọc chiến hào – Xuân Quỳnh

Được ví như bà hoàng thơ tình nhưng rõ ràng thơ của Xuân Quỳnh không chỉ có tình yêu. Trong dòng chảy của hành trình thơ Xuân Quỳnh, ta còn bắt gặp những hình ảnh gần gũi và thân thương khác, hiển hiện qua một hồn thơ đa tình. Như chính tên tuyển tập, Hoa dọc chiến hào dường như là những mảnh ghép vụn vặt từ đời sống song hành với nhịp chân hành quân của người lính, những bông hoa xinh đẹp nở bừng lên dọc chiến hào.

Cái cửa sổ hướng đông

Cái cửa sổ hướng tây

Cái cửa sổ hướng nam, hướng bắc

Những chấn song thon thon, tròn, nhẵn

Thơm mùi sơn, xanh biếc màu sơn

 

Những buổi mai, nhìn xuống đồng xa

Lúa kỹ thuật cấy dăng hàng thẳng tắp

Những bờ thửa bờ vùng mới đắp

Những dòng mương chạy mãi tới chân trời…

 

Những buổi chiều việc hợp tác xong xuôi

Vợ chồng về mở toang đôi cánh cửa

Giọt mồ hôi khô dần trên trán vợ

Làn gió nam mát cả nụ cười!

 

Một củ khoai lang, một bắp ngô lùi

Tình nghĩa láng giềng xẻ chia qua cửa sổ

Những tối liên hoan, những khi họp tổ

Bà con qua cửa sổ rủ đi cùng

 

Cái cửa sổ hướng tây

Cái cửa sổ hướng đông

Cái cửa sổ hướng nam, hướng bắc

Yêu biết bao nhiêu cái cửa đầy những nắng

Đầy những niềm vui bốn phía tràn về

Trên đây là một số tuyển tập thơ được đánh giá là những tập thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20. Bạn còn yêu thích tập thơ của tác giả nào khác, hãy chia sẻ cùng Người Đọc Sách.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận