Nhà văn Lê Lựu qua đời – “Thời xa vắng, khuất bóng rồi…”

Câu thơ cảm tác từ nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến ngân lên cũng đủ khiến ta nức lòng. Thế là tác giả của “Thời xa vắng” – nhà văn Lê Lựu đã rời trần thế.

Nhà văn Lê Lữu qua đời vào chiều 09/11/2022, hưởng thọ 80 tuổi, ông đã kết thúc hành trình 16 năm chống chọi với bệnh tật.

Nhà văn Lê Lựu và cuộc đời như trang viết

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, vùng quê nghèo ven sông Hồng từng quanh năm lũ lụt. Gia đình ông có tám người con, nhưng năm người anh chị em của ông đã mất sớm. Ông đã sớm có ước mơ trở thành nhà báo, nhà văn từ năm lên 10 tuổi. Và tài năng văn chương trong ông đã thực sự được tôi luyện và thăng hoa ngay trong môi trường quân đội kể từ khi ông nhập ngũ, khi vừa 17 tuổi.

Trải qua nhiều năm thời thanh niên sung sức chu du khắp đất nước, Lê Lựu đã tích cóp cho mình vốn trải nghiệm dồi dào dù có nhiều phần gian khổ. Viết văn, viết văn và viết văn. Chính hành trình bươn trải không ngừng với con chữ và cuộc đời đã giúp ông gặt hái được nhiều vinh quang. Với bản chất chân chất, dung dị, Lê Lựu luôn được lòng nhiều người. Ông cũng từng sáng lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân nhằm tạo địa chỉ hội ngộ cho nhiều tên tuổi lớn cũng như cung cấp việc làm cho hơn 50 nhân viên. Ông đã sống một cuộc đời nhiệt huyết và vinh quang.

Chân dung nhà văn Lê Lựu (1942 – 2022)

Nhưng rồi bệnh tật quật ngã và lấy đi của ông tất cả. Từ năm 2006 đến nay, sức khỏe Lê Lựu suy sụp sau nhiều lần tai biến và nhiều căn bệnh quái ác như tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, tụy, thận, tiền liệt tuyến,… Bệnh tật dồn đến nhiều đến mức mỗi ngày ông uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm, sinh hoạt khó khăn và phải nhờ người lo cơm nước.

Từng có hai đời vợ nhưng cuối đời nhà văn Lê Lựu lại phải chịu cảnh sống vò võ một mình, niềm an ủi của Lê Lựu trước khi từ giã cõi trần là những ngày cận kề cái chết ông được con gái lớn đón về quê hương Hưng Yên chăm sóc. 

Trong nhiều cuộc trò chuyện cùng văn hữu, ông nói về vợ con bằng nỗi niềm cay đắng. “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát.” – ông tự giễu về cái khổ của mình. Bè bạn nói Lê Lựu sống giản dị như một lão nông, cả người từ gương mặt, mái tóc đến trang phục khi nào cũng đượm nét khắc khổ, có lẽ cũng như những trang văn khắc khổ mà ông đã viết ra.

Một đời Lê Lựu với văn chương: nhiệt huyết và vinh quang

Dù bệnh tật đeo bám, ý chí của một con người nhiệt huyết với cuộc đời vẫn lớn hơn tất cả. Mỗi ngày ông vẫn kiên trì tập đứng, tập đi, giữ tinh thần tỉnh táo để sáng tác. Ngay cả trong cơn bệnh tật, ông vẫn xuất bản ba cuốn sách “Thời loạn”, “Ở quê ngày ấy” và “Gã dở hơi” trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2013. Cả những lúc không thể ngồi dậy viết nổi thì ông vẫn nằm trên giường đọc văn cho thư ký đánh máy. Năm 2016, ông viết dở tiểu thuyết “Kẻ chạy trốn” rồi đành bỏ cuộc vì bệnh tật hành hạ.

Trước đó, Lê Lữu đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp chữ nghĩa. Hơn 40 đầu sách đã được hoàn thành, nhà văn Lê Lựu đã đóng góp nhiều tác phẩm văn chương kinh điển cho nền văn học nước nhà. Những tác phẩm tiêu biểu về giá trị nghệ thuật đặc sắc của ông có thể kể đến như: Mở rừng, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lỗi, Đại tá không biết đùa, Mặt trận của người lính,… Riêng hai tác phẩm “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng” của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh, mang đến niềm rung động tâm hồn cho nhiều lứa độc giả và khán giả.

Tác phẩm “Sóng ở đáy sông” của nhà văn Lê Lựu từng được chuyển thể thành phim được nhiều thế hệ khán giả yêu thích

Sự ra đi của nhà văn Lê Lựu là một tiếc nuối của độc giả và cả những văn hữu nhiều thế hệ. Cảm khái cho một đời người của bậc tác gia lớn đã dừng lại, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến – người từng được Lê Lựu hướng dẫn nhiều về văn chương đã viết nên những lời thơ cảm tác đầy xúc cảm:

“Thời xa vắng, khuất bóng rồi
Cành Lê trái Lựu rụng rời đường Thu
Làng Văn, xóm Khổ sương mù
Xác xơ những chuyến đò đưa phim trường
Xác xơ cả những vở tuồng
Anh hùng đứng khóc cuối đường mây bay
Thôi ông cứ uống rượu say
Mỗi xuân, mỗi giỗ, mỗi ngày nhớ ông!”

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận