Nhìn lại một đời văn Lê Lựu

Nhà văn Lê Lựu đã từ trần vào chiều ngày 09/11/2022, để lại sự tiếc thương cho nhiều lớp độc giả và văn hữu. Dẫu vậy, cuộc đời cống hiến cho nền văn học nước nhà của Lê Lựu đã gặt hái được nhiều vinh quang, di sản văn chương ông để lại là một kho tàng quý giá. Cùng nhìn lại một đời văn Lê Lựu để tưởng nhớ một tác giả nhiệt huyết với đời, nhiệt huyết với văn chương.

Bôn ba và gian khó xây đắp nên tâm hồn văn chương Lê Lựu

Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942, ông qua đời vào chiều 09/11/2022 hưởng thọ 80 tuổi. Sinh ra tại Hưng Yên – một vùng quê nghèo ven sông hồng từng quanh năm lũ lụt, gia đình đông anh em và trải qua nhiều thời kỳ gian khó của đất nước, Lê Lựu đã sớm mang trong mình ước mơ trở thành nhà văn, nhà báo. 

Được rèn giũa tài năng văn chương từ ngay trong môi trường quân đội từ khi nhập ngũ, Lê Lựu dành suốt thời trai trẻ sung sức để trải nghiệm khắp các vùng miền và viết lách. Đời sống gia đình nhiều sóng gió và cô đơn chắc hẳn cũng làm nên một tâm hồn đa cảm với cuộc đời. Lê Lựu từng có hai đời vợ và 3 người con nhưng những năm tháng cuối đời ông lại sống trong cô độc, niềm an ủi lớn nhất với ông là những ngày cuối cùng trước khi rời xa trần thế ông được người con gái lớn đón về chăm sóc tại quê nhà Hưng Yên.

Nhiều bạn bè của ông đều nói con người ông toát lên dáng khắc khổ từ nét mặt đến tóc tai, quần áo. Một đời gian khó và giản dị như vậy nhưng ông luôn được nhiều người yêu mến, tự ông đã xây đắp nên một tâm hồn văn chương hồn hậu và nhiệt thành.

Một đời cần mẫn với con chữ

Suốt đời sáng tác, Lê Lựu đã cho ra đời hơn 40 tác phẩm lớn và được giới chuyên môn đánh giá cao cũng như nhận được nhiều yêu mến từ độc giả.

Ngay khi bắt đầu sự nghiệp chữ nghĩa, ông đã có nhiều sáng tác được xem là những tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh, có thể kể đến như Người cầm súng (tập truyện ngắn, 1970), Mở rừng (tiểu thuyết, 1976). Về sau, bộ ba tiểu thuyết đã khẳng định vị trí vững chắc của ông trên văn đàn cũng là thời kỳ hoạt động văn chương của ông sôi nổi nhất, bước vào độ “chín” nhất: Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994).

Các giải thưởng tiêu biểu Lê Lựu đã đạt được trong đời văn chương của ông có thể kể đến: Truyện ngắn Người cầm súng đạt giải Nhì báo Văn Nghệ năm 1968; Tiểu thuyết Thời xa vắng được trao giải A Hội nhà văn Việt Nam năm 1990; Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 năm 2000,…

Có thể nói ông đã tận hiến một cuộc đời sáng tác cho văn chương, ngay cả khi bệnh tật đeo bám nghiêm trọng ông vẫn luôn giữ tinh thần tỉnh táo để sáng tác, không thể tự viết thì nằm trên giường đọc cho thư ký ghi chép, cuộc tận hiến ấy chỉ buộc phải dừng lại dở dang ở tiểu thuyết “Kẻ chạy trốn” vào năm 2016 khi bệnh quá nghiêm trọng …

Những trang viết phản ánh cuộc đời

Có thể thấy những đề tài văn chương Lê Lựu khai thác vô cùng gần gũi với cuộc sống hiện thực của ông. Khi còn chiến tranh thì viết chiến tranh, bước ra khỏi chiến tranh vẫn là những thân phận quằn quại với đời sống. Có thể nói Lê Lựu đã sinh ra nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, có lẽ đó cũng chính là những mảnh ghép chân dung cuộc đời mưu cầu hạnh phúc của ông nhưng chưa thể toại nguyện.

Tự đánh giá về cuộc đời mình, Lê Lựu từng chia sẻ: “Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”. Ấy thế nhưng ông vẫn luôn chất chứa tâm tư: “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát.”

Dù đạt được nhiều danh tiếng trên con đường văn chương, ông còn là niềm tự hào của giới văn sĩ khi trở thành nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ trong thời kỳ hậu chiến để “bắc nhịp cầu văn hóa”, có thể nói chuyện công danh cả trong sự nghiệp văn chương lẫn cống hiến trong sự nghiệp quân đội. Thế nhưng tâm hồn một người nông dân trong ông vẫn luôn khắc khoải: “Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân”.

Khép lại một đời người tận hiến cho sự sống, sự viết, không ngừng nghỉ đấu tranh cho những thân phận con người cả trên chiến trường đất nước và chiến trường chữ nghĩa. Cảm tạ Lê Lựu cho một hành trình ý nghĩa, mừng ông đã trở về với mảnh đất quê hương Hưng Yên sau 16 năm chống chọi với bệnh tật…

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận